Ở Tây Nguyên, mỗi dân tộc có kiểu làm nhà rông khác nhau, dù nhìn qua lại ngỡ giống nhau. Nhà rông nhỏ và thấp? nhất là của người Giẻ Triêng, còn nhà rông của người Xê Ðăng lại vút cao uy vũ. Trong khi nhà rông của người Gia Rai thanh thoát như lưỡi rìu dựng ngược vào trời xanh thì nhà rông của người Ba Na lại mềm mại như gà mẹ đứng giữa, đàn gà con là các nhà sàn chung quanh… Và không hiểu tại sao đến bây giờ, nhà rông chỉ còn ở các dân tộc phía bắc Tây Nguyên, từ Gia Lai trở ra đến các dân tộc ven dãy Trường Sơn ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam,… Phía nam Tây Nguyên, từ Ðác Lắc trở vào, với các dân tộc như Ê Ðê, Mơ Nông,… thì nhà rông không còn, mà đồng bào làm nhà dài; và tất nhiên, ý nghĩa cộng đồng không giống như nhà rông.
Ðể làm được nhà rông, thường mỗi làng, thậm chí cả vùng, chỉ có một vài người, vừa do năng khiếu bẩm sinh, vừa được truyền nghề, để có thể chỉ huy dân làng làm nhà rông. Ngôi nhà chỉ có tranh tre nứa lá, hoàn toàn dùng rìu và dao rựa, thế mà cao vút và uy nghi, tinh tế, lại có khả năng chống chọi với gió cao nguyên mùa khô và mưa thối đất mùa mưa… Nhà rông vừa là nơi dân làng tụ tập sinh hoạt, như là “trái tim” của làng, đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của đời sống, như có chỗ ngủ, có bếp lửa, có nơi dành cho khách. Khách đến làng thì mời lên nhà rông, ở đấy như ở nhà mình. Ðến bữa, dân làng mang đồ ăn tới, nhà nào cũng mời khách, khách trở thành khách chung của mọi người. Lại có nơi cho dân làng hội họp, sàn rộng để ngồi, sàn thưa để ngồi uống rượu cần… Tại một số làng, bà con còn làm đến hai nhà rông, “nhà rông cái” dành cho phụ nữ, “nhà rông đực” dành cho đàn ông. Nhưng dù vậy, nhà rông còn mang ý nghĩa tâm linh rất lớn, chi phối đời sống tinh thần của buôn làng. Về mặt nào đó, nhà rông như đình làng của người Việt, nó gắn với đời sống. Ngôi nhà biểu hiện sự hùng mạnh của làng, nhà rông càng to thì làng càng mạnh, càng sung túc. Về tinh thần, ngôi nhà như là nơi linh thiêng, nhà rông cao to như thể là nơi các vị thần về trú ngụ, là nơi trung gian giữa người và Yang (trời). Do vậy, các hoạt động tâm linh của dân làng đều diễn ra ở nhà rông. Trong bất cứ nhà rông nào đều phải có nơi để vật thiêng. Trên nóc các nhà rông đều phải trang trí thật đẹp với hoa văn, họa tiết mô phỏng hình mặt trời, rau dớn…
Nguồn: https://nhandan.vn/dong-chay/nha-rong-va-nha-rong-van-hoa-383934